Xử Lý Các Tình Huống Sư Phạm Theo Phương Pháp Kỉ Luật Tích Cực

Xử Lý Các Tình Huống Sư Phạm Theo Phương Pháp Kỉ Luật Tích Cực


XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM
Áp dụng “ Phương pháp kỉ luật tích cực”
Tình huống 1: 
·     Bạn đang say sưa giảng bài thì một học sinh đi học muộn xin vào lớp làm cắt ngang bài giảng của bạn. Lúc này giờ học đã bắt đầu được 15 phút. Bạn bực mình vì bị mất cảm hứng. Vậy bạn xử lý như thế nào?
Nếu là tôi thì tôi sẽ cố gng giữ bình tĩnh, xin lỗi lớp vì sự gián đoạn. Sau đó dành một chút thời gian quay về phía học sinh đi muộn để nhắc nhở nhanh em đó: “Em đã vào muộn 15 phút tức là em đã vi phạm nội quy của lớp, của trường. Em có biết điều đó không? Cô tin là em cũng hiểu được điều này. Chắc cũng vì một lí do nào đó nên em mới đi học muộn. Cô mong rằng sẽ không có lần sau như vậy nữa. Giờ thì em vào lớp và cố gắng tập trung vào bài học để hiểu được hết nội dung cô đã giảng được không?”. Sau đó, tôi cho em đó vào lớp, nhắc nhở em đó cuối giờ ở lại gặp riêng tôi, rồi tôi tiếp tục bài giảng.
– Cuối giờ học tôi  gặp riêng em đó và tìm hiểu lí do tại sao đi học muộn. Nếu là lí do chính đáng thì tôi sẽ nhắc nhở em lần sau cố gắng khắc phục để không bị muộn nữa. Còn trường hợp là lí do không chính đáng thì tôi sẽ phân tích cho em hiểu được lỗi sai của mình:“Việc học đối với em và đối với các bạn là quan trọng hơn cả, đừng vì một lí do nào đó mà để chểnh mảng việc học của mình. Đó là một điều không tốt cho chính em. Hôm nay em đi học muộn 15 phút, nghĩa là em mất đi 15 phút nghe cô giảng bài và các nội dung ấy em sẽ không hiểu thấu đáo bằng các bạn. Vì thế người thiệt thòi là em, em thấy có đúng không?

Em học sinh đó sẽ suy ngẫm về những điều tôi nói để hiểu ra vấn đề. Tôi khéo léo gợi ý cho em để em biết nhận khuyết điểm, biết xin lỗi và biết hứa sẽ sửa chữa thiếu sót của mình.
Sau đó tôi nhẹ nhàng khuyên và nói với em những lời động viên, tin tưởng đối với em: Cô mong rằng em sẽ hiểu được những mong mỏi của cô đối với em và cô cũng tin tưởng rằng nếu quyết tâm, em sẽ thây đổi được và sẽ tiến bộ ”. Đây là lần đầu tiên em đi muộn và có lý do riêng, cô bỏ qua cho em. Nhưng để em nhớ và không tái phạm, cô vẫn đề nghị em viết bản  tự kiểm điểm về hành vi của mình, đồng thời ghi lại những suy nghĩ, những hiểu biết của mình sau khi đã được cô phân tích. Cô có thể nhận lại bản kiểm điểm đó vào ngày mai được không?
Tình huống 2
· Hồi học cấp 3, tôi có một cậu bạn rất nghịch ngợm, hay tìm cách chọc phá trong các giờ học. Tên cậu là Minh, trùng tên với thầy giáo dạy môn toán. Một lần, thầy đang giảng bài, cậu ta ngồi không yên, cứ quay lên, quay xuống nói chuyện, làm ồn.Thầy giáo bực lắm, đi thẳng xuống, xách tai cậu ta đứng lên, hỏi: “Tại sao em làm ồn trong giờ học ?”. Không ngờ, cậu đáp ngay: “Thưa thầy, tại bạn Tĩnh chửi em là tiên sư thằng Minh”.
Nếu bạn là thầy Minh, bạn sẽ xử lí như thế nào?
       Nếu là thầy Minh thì tôi sẽ cố gắng thật bình tĩnh, rồi dành một chút thời gian nhanh chóng chỉ ra cho học sinh đó thấy được lỗi sai của mình. Sau đó, tôi hẹn em cuối giờ ở lại gặp tôi để thầy và trò cùng trao đổi về vấn đề này.
      Cuối buổi học, tôi gặp lại em. Trước tiên tôi hỏi em xem trong thời gian ngắn đó em đã suy nghĩ gì về hành vi và lời nói của mình chưa? Em suy nghĩ như thế nào rồi? Và  tôi phân tích cho em đó hiểu về hành vi ngôn ngữ của em như vậy là chưa đúng, thiếu ý nhị :
+ Thứ nhất, về hành vi: trong giờ học, em đã không chú ý nghe giảng mà lại mất trật tự làm ảnh hưởng đến lớp như vậy là em đã không tôn trọng thầy, không tôn  trọng các bạn. Điều này là em đã sai.
+ Thứ hai, về ngôn ngữ: với cương vị là một người học sinh thì em không nên dùng những lời lẽ giao tiếp đó với thầy giáo của mình. Làm như vậy tức là một lần nữa em lại không tôn trọng thầy. Nếu đặt trường hợp em sau này trở thành một giáo viên như thầy mà em nghe thấy những lời đó thì em sẽ nghĩ sao? Thầy rất thông cảm với nỗi bức xúc của em nhưng theo thầy nghĩ nếu trong giờ học mà có vấn đề gì búc xúc thì em nên mạnh dạn nhờ thầy giải quyết giúp em. Thầy có thể khẳng định rằng trong trường hợp đó không có thầy cô nào từ chối mà sẽ sẵn sàng dành thời gian giúp đỡ em.
       + Thầy cũng biết rằng: vì bức xúc mà em mới có những lời lẽ bột phát đó, chứ trong thâm tâm em không muốn làm như vậy. Con người của em không xấu nhưng hành vi bột phát đã vô tình làm em xấu đi thôi. Thầy rất mong lần sau em sẽ không tái phạm nữa. Trước khi nói điều gì thì nên suy nghĩ kĩ để luôn giữ được hòa khí với mọi người. Như vậy thì em sẽ được mọi người tôn trọng và yêu quý. Em thấy thầy nói có đúng không? Em có làm được điều mà thầy vừa nói không?
       – Rồi tôi cũng dành thời gian để gặp em học sinh Tĩnh để tìm hiểu xem em Tĩnh có thật sự nói ra điều đó không?
       + Nếu em Tĩnh là người chửi Minh như thế thật  thì tôi sẽ giải thích cho em hiểu em đã sai ở chỗ nào.  Em Tĩnh  có khuyết điểm đã chửi bạn trong giờ học, khuyết điểm này cũng cần phê bình, em Tĩnh phải nhận thấy và sửa chữa. Tôi cũng nhắc nhở em Tĩnh không được phép xúc phạm bạn và hiểu về tình bạn, về cách cư xử với bạn bè và cả thái độ nghiêm túc của học sinh trong giờ học. Tôi cũng gợi ý để em Tĩnh nhận ra khuyết điểm của mình, biết xin lỗi và hứa sửa chữa.
+ Nếu em Tĩnh không nói câu đó thì tôi sẽ lựa lời để cho em hiểu rằng tôi đã phân tích để em Minh hiểu ra lỗi sai rồi. Đồng thời đề nghị em Tĩnh sẽ là ngườigặp gỡ bạn Minh để khuyên bảo bạn. Bởi lẽ những người bạn nói với nhau chân tình và vị tha thì sẽ rất dễ thuyết phục và làm cho bạn thay đổi. Ví dụ: Em nói với bạn ấy là mình không chửi bạn mà sao bạn lại nói oan cho mình như vậy? Có phải bạn có ý định gì trong câu nói ấy không? Mình biết dù bạn không nhận. Nhưng không sao, mình không giận bạn đâu, mình chỉ muốn bạn hiểu thôi. Và nếu bạn có ngụ ý trong câu nói ấy thì bạn phải dừng lại ngay, vì như thế bạn đã thiếu tôn trọng thầy rồi đấy. Thầy giáo của chúng ta là người rất bao dung độ lượng nên đã tha thứ cho bạn. Thầy chỉ luôn mong mỏi chúng mình cùng học tập tốt và có nhiều tiến bộ thôi. Bạn có muốn 2 chúng mình sẽ cùng nhau thay đổi và tiến bộ hơn không? Thế nhé!…

Tình huống 3
·     Khi đến một gia đình học sinh với mục đích phối hợp giáo dục em A, một học sinh học kém và thiếu ý thức kỷ luật, nhưng gia đình em lại nói: “Nếu thầy cô không dạy được nó thì để tôi cho nó chuyển trường hoặc cho nó nghỉ học luôn cũng được”. Bạn phải xử lý thế nào?
Vào trường hợp này, tôi sẽ mời phụ huynh tới trường, gặp gỡ và trao đổi cho phụ huynh đó hiểu rằng, quan điểm của gia đình như vậy là chưa đúng. Vì để có thể giáo dục các cháu tốt thì luôn cần phải có sự phối hợp  kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
 Nếu gia đình muốn chuyển trường cho cháu thì không khó nhưng quan trọng là ở cháu. Nếu cháu không được quan tâm giáo dục kịp thời, cháu không được thầy cô và cha mẹ phân tích để hiểu rõ khuyết điểm của mình, thấy hành vi của mình là sai mà vẫn tiếp tục vi phạm như vậy thì dù có học ở đâu cháu cũng sẽ tiếp tục mắc lỗi và con đường dẫn đến hư hỏng là rất ngắn.
   Còn trường hợp gia đình muốn cho cháu nghỉ học thì càng đơn giản hơn nhưng liệu gia đình có được lợi gì trong trường hợp này không? Tôi có thể khẳng định chắc chắn là không vì nếu làm như vậy thì đồng nghĩa với việc là gia đình đã hủy hoại đi tương lai của cháu. Chỉ có thể học tập, chỉ có thể được quan tâm giáo dục kịp thời thì cháu mới có tương lai tươi sáng. Nhà trường chính là môi trường tốt đẹp nhất, là nơi các con được học tập phát triển nâng cao tri thức và hiểu biết. Nhà trường cũng chính là chìa khóa để mở ra tương lai của tất cả con người. Không có ai không học mà thành tài… Nếu gia đình suy nghĩ cho con nghỉ học thì đấy là một suy nghĩ rất tiêu cực. Có thể là bác (gia đình) chưa hiểu hết về nhà trường, về những người làm công tác giáo dục của chúng tôi nên mới có quyết định vội vàng như thế. Là GVCN, tôi cũng rất thấu hiểu và thông cảm cho những suy nghĩ cũng như tâm trạng của phụ huynh khi có con mắc lỗi và phải tới trường gặp thầy cô vì lỗi của con. Nhưng chúng ta, cả tôi và bác – thày cô và cha mẹ phải sẵn lòng giúp đỡ con vượt qua thử thách, chính chúng ta cũng phải có quyết tam mới có thể hi vọng được thành công. Còn ngược lại, nếu bác (gia đình) cứ quyết định cho cháu nghỉ học thì chính gia đình đã tiếp tay cho những hành động sai trái của cháu mà sau này người gánh chịu không ai khác chính là gia đình. Trên đời này, ai trồng cây mà chẳng mong tới ngày hái quả và càng mong hơn là sẽ hái được những bông hoa đẹp, những trái quả thơm ngon. Các bác chắc chắn cũng vậy là bậc làm cha mẹ ai chẳng muốn con mình ngoan, học giỏi và có một tương lai tươi sáng đúng không ạ? Vì thế tôi rất mong gia đình sẽ suy nghĩ lại để cùng nhà trường có thể phối hợp tìm ra cách giải quyết tốt nhất để cháu có thể trở thành người có ích cho xã hội sau này .
Tình huống 4
·     Trả bài kiểm tra một tiết cho học sinh xong, bạn quay lên bục giảng để bắt đầu bài mới thì bỗng “roạc”, “xoạt, xoạt”, hình như là tiếng xé và vò giấy. bạn quay lại thì thấy Tiến đã xé tan bài làm được một điểm của mình trước sự ngơ ngác của các bạn trong lớp. Khi được hỏi tại sao em xé bài, thì Tiến trả lời tỉnh queo: “Bài của em thì em xé”. Trước sự việc đó, bạn phải giải quyết ra sao?
Trước sự việc này, tôi sẽ dừng bài giảng lại rồi tiến gần về phía học sinh đó với thái độ nghiêm khắc và yêu cầu em đó dừng ngay hành động của mình lại. Tôi nói với em rằng, nếu có điều gì em chưa hài lòng thì em ở lại  trao đổi với cô vào vào cuối giờ học.
 Sau đó tôi gặp học sinh và  phân tích cho em đó thấy hành động đó của em là sai :“Cô biết bài kiểm tra của em bị điểm kém và em cũng đang rất buồn nhưng em đã kịp xem xong bài kiểm tra của mình xem tại sao lại bị điểm kém chưa? Nếu đặt trường hợp sau này em trở thành một giáo viên như cô thì em sẽ suy nghĩ gì về hành động này? Em nói đó là bài của em đúng thế nhưng đó cũng là bài mà cô đã cân nhắc kĩ và đã sửa những lỗi sai cho em. Hành động như vậy là em đã thiếu tôn trọng cô và thiếu tôn trọng chính bản thân em. Em biết bài mình bị điểm kém tức là em đã thấy được điểm yếu của mình. Vậy tại sao em không để bài kiểm tra đó lại xem mình còn thiếu hụt kiến thức ở phần nào rồi nhờ cô, nhờ các bạn giảng giải giúp mình. Nếu em nhờ cô thì dù có bận đến đâu cô cũng sẵn sàng giúp em. Nhưng thôi dù sao em cũng đã xé rồi thì cô cũng mong rằng lần sau em sẽ suy nghĩ chín chắn hơn. Và em hãy ghi nhớ bài học hôm nay để cố gắng phấn đấu ở những lần sau, còn rất nhiều cơ hội đang chờ đón em ở phía trước”.

 Tình huống 5
·     Một cô giáo mới được điều động về một trường THPT và được phân công làm GVCN của một lớp nổi tiếng là nghịch ngợm và quậy phá.Trong buổi đâu tiên ra mắt lớp, sau khi thầy hiệu trưởng giới thiệu rồi đi ra. Cố giáo định tiến về phía bàn giáo viên thi dưới lớp nổi lên tiếng đập bàn, khua ghế ầm ĩ khiến cô không thể nói được.
Nếu là cô giáo đó bạn xử lý như thế nào? tại sao bạn lại xử lý như vậy?
– Nếu là tôi thì ngay lập tức tôi sẽ đứng im lặng nhưng với một thái độ nghiêm khắc và tập trung quan sát nhanh từng học sinh xem em nào là người đầu trò của những quậy phá đấy. Khi phát hiện ra rồi thì tôi sẽ tiến lại gần em học sinh đó và nói :“Qua quan sát cô thấy hình như em là một học sinh được các bạn trong lớp rất tin tưởng và tín nhiệm. Dường như những hành động của em đều được các bạn  ủng hộ rất nhiệt tình. Vậy theo cô thì tại sao em không lấy cái lợi thế đó để làm những việc tốt hơn. Chẳn hạn như: nhắc nhở các bạn trật tự giúp cô, hay có thể làm thay đổi bầu không khí  nặng nề này. Hôm nay, có lẽ là buổi đầu nên cô trò chúng ta vẫn còn xa lạ, chưa hiểu nhiều về nhau. Nhưng trong thâm tâm cô cảm thấy rất vui vì được nhận chủ nhiệm lớp mình. Cô có vài điều muốn chia sẻ, tâm sự cùng các em, muốn được các em lắng nghe và cũng rất muốn lắng nghe các em nói. Vậy thay cho những hành động đó, thì cô trò chúng ta có thể cùng làm quen, giao lưu để hiểu thêm về nhau hơn. Lời đề nghị này có quá sức với các em không?”

Tình huống 6
·     Không khí ngày 20-11 thật sôi động, sau cuộc họp mặt truyền thống là phần văn nghệ. Thầy cô giáo ai cũng như trẻ lại… Cuối giờ sinh hoạt lớp, cô chủ nhiệp trả lại gói quà và nói với lớp:
– Vừa rồi bạn MD có gặp cô, nhờ cô nhắc các em đóng thêm tiền để hoàn trả chi phí mà em ấy xuất ra mua quà tặng cô nhân dịp 20-11. Cô rất cảm động khi các em đến thăm và tặng quà cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng lời đề nghị của MD làm cô buồn. Cô xin phép gửi lại món quà.Cả lớp lặng đi. Lớp trưởng thay mặt lớp đứng lên xin lỗi cô mong cô nhận quà. Cô từ chối và đi ra khỏi lớp.Gói quà bọc bằng giấy bóng hồng lấp lánh trơ trọi trên chiếc bàn giáo viên.Thì ra tiền mua quà vượt hẳn tiền đóng góp, MD là một cán bộ lớp được cử đi mua quà đã tự bỏ tiền túi bù vào, nhưng sau đó chỉ một vài bạn trong lớp nộp thêm tiền bù lại số tiền thiếu đó. Phần vì giận các bạn, phần vì chưa suy nghĩ kỹ, nên MD đã làm cô phật lòng.Nếu là cô giáo đó bạn xử lý như thế nào?
  Nếu là cô giáo đó thì trước tiên, tôi sẽ bày tỏ tình cảm của mình trước lớp :“Cô rất cảm ơn các em về những lời chúc và món quà đầy ý nghĩa này. Cô sẽ ghi nhận và luôn trân trọng những tình cảm mà các em đã dành cho cô”.
 Sau đó  cuối giờ tôi gặp riêng em MD để hỏi rõ sự việc :“MD à ! Cô rất cảm ơn em ! Cô biết em luôn là một cán bộ lớp ngoan, gương mẫu và có tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng trong đợt này, em cũng đã phải chịu những áp lực lớn và cô cũng cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm về việc đó. Bản thân cô rất vui vì được các em quan tâm và ngoài sự quan tâm đó cô cũng muốn tự mua tặng mình một món quà nào đó nhưng cô chưa biết mua quà gì cả. Vậy nhân cơ hội này cô cũng muốn tham gia đóng góp cùng các em và coi như là cô cũng đã quan tâm đến chính mình rồi. Em hãy đồng ý nhé ?”
Tôi nghĩ rằng mình làm như vậy vừa không khiến cho MD phải ngại ngùng xấu hổ với bạn bè cũng vừa học sinh lớp tôi không biết được chuyện mà MD đã nói. Nếu làm như cô giáo trong tình huống trên nghĩa là trong lòng mình còn rất nhiều bức xúc. Mà là cô giáo thì phải bao dung độ lượng, bỏ qua những thiếu sót của học trò. Cần hiểu rằng, học trò còn rất nhỏ, chưa suy nghĩ được thấu đáo nên có sai lầm, có làm cô phiền lòng cũng là lẽ đương nhiên.


Reply

Kết bạn với tôi qua zalo nhé
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?