ĐỀ THI HỌC KỲ 1 NGỮ VĂN 9, PHÒNG GD & ĐT PHÙ CÁT, BÌNH ĐỊNH


ĐỀ SỐ 1: ĐỀ THI HỌC KỲ 1 NGỮ VĂN 9, PHÒNG GD & ĐT PHÙ CÁT, BÌNH ĐỊNH


NĂM HỌC: 2018-2019
Thời gian làm bài: 90 Phút

Mục tiêu
            – Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh trong học kì I đã qua.
            – Tích hợp phần văn bản và phần tiếng Việt qua các bài đã học.
            – Rèn luyện kĩ năng viết câu, trình bày đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh.


I. PHẦN VĂN – TIẾNG VIỆT
Câu 1:
            Đọc kĩ đoạn văn sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới:
            “- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ đựơc bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”.
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
            a. Nhận biết
            Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tên tác giả?
            b. Nhận biết
            Nhân vật xưng cháu là ai? Nói chuyện với ai?
Câu 2: Vận dụng
            “ … Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe chờ nó gọi “ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:
            – Cơm chín rồi!
            Anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:
            – Con kêu rồi mà người ta không nghe”.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
            Con bé trong đoạn truyện vi phạm phương châm hội thoại nào trong giao tiếp? Vì sao có sự vi phạm đó?
Câu 3: Vận dụng cao
            Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong câu thơ sau:
                                                         Đêm nay rừng hoang sương muối
                                                         Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
                                                         Đầu súng trăng treo.
(Đồng chí – Chính Hữu)
II. LÀM VĂN: Vận dụng cao
            Trong vai Thúy Kiều, hãy chuyển đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du thành bài văn tự sự.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần
Nội dung
I
1.
Phương pháp: căn cứ bài Lặng lẽ Sa Pa
Cách giải:
– Tác phẩm: Lặng lẽ Sa Pa
– Tác giả: Nguyễn Thành Long
2.
Phương pháp: căn cứ bài Phương châm hội thoại; phân tích
Cách giải:
– Phương châm lịch sự đã bị bé Thu vi phạm
– Nguyên nhân vì: Bé Thu không nhận ra ông Sáu là ba, bởi vậy trước những cử chỉ yêu thương của ông Sáu nó luôn tìm cách cự tuyệt.
3.
Phương pháp: căn cứ bài Đồng chí, phân tích
Cách giải:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và khổ thơ cuối
Câu thơ thứ nhất đã miêu tả rất chân thực hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt của người lính:
“Đêm nay rừng hoang sương muối”
Không gian hùng vĩ, hoang vu “rừng hoang sương muối”, thời gian gian khó mùa đông ở Việt Bắc sương muối phủ đầy trời. Trên cái nền thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa khắc nghiệt ấy, tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách gian lao, trong nhiệm vụ sinh tử. Cũng chính ở cái nơi mà sự sống, cái chết chỉ kề nhau trong tích tắc ấy tình đồng chí càng trở nên thiêng liêng, cao đẹp.
Câu thơ thứ hai đã khắc họa tư thế chiến đấu của những người lính:
“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”
Những người lính sát cánh bên nhau “đứng cạnh bên nhau”– có tình đồng chí, đồng đội, người. Họ tạo ra tư thế thành đồng vách sắt lính ở trong tư thế chủ động, mạnh mẽ “chờ giặc tới”. Hình ảnh đôi bạn chiến đấu đứng cạnh nhau vững chãi làm mờ đi cái gian khổ khắc nghiệt của cuộc chiến tạo nên tư thế thành đồng vách sắt trước quân thù. Hai câu thơ đối nhau rất cân chỉnh, đối lập giữa khung cảnh lạnh lẽo, buốt giá nơi rừng hoang và tình cảm ấm nồng giữa những người lính.
Hình ảnh “đầu súng trăng treo” kết thúc bài thơ là điểm nhấn của khổ 3 cũng là điểm sáng của toàn bài. Hình ảnh này vừa có ý nghĩa thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng.
+ Nghĩa thực: như Chính Hữu từng tâm sự, trong đêm phục kích chờ giặc, ông chỉ có những người bạn chiến đấu, khẩu súng và vầng trăng, Trời về khuya, có lúc nhìn lên, trăng như treo đầu ngọn súng. Từ thực tế đó, ông đã viết nên hình ảnh “đầu súng mảnh trăng treo”, sau này cắt bớt chữ “mảnh” thành “đầu súng trăng treo”
+ Nghĩa biểu tượng: nhịp thơ 2/2 kết thúc bằng thanh bằng khiến ta liên tưởng 1 cái gì đó không bị buộc chặt mà chung chiêng, bát ngát, vang xa. Súng là hình ảnh của chiến tranh khói lửa, trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát, cuộc sống thanh bình. Sự hòa hợp của trăng và súng toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính và tình đồng chí của họ, vừa nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh yêu nước: Người lính cầm súng là để bảo vệ cho độc lập, tự do của đất nước. Trăng và súng là gần và xa, là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn. Tất cả hòa quyện tạo nên vẻ đẹp của người lính, đời lính.
-> Chỉ với 3 câu thơ, biểu hiện đẹp nhất của tình đồng chí, đồng đội, của cuộc đời người chiến sĩ đã được kết lại.
II
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề
2. Thân bài
a. Giới thiệu về bản thân và nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh hiện tại
– Giới thiệu bản thân: Tôi là Vương Thúy Kiều, sinh ra trong một gia đình bậc trung, có cha mẹ hiền lương và hai em tốt tính. Tôi có cuộc sống rất hạnh phúc
– Nhưng tai biến xảy ra với gia đình, tôi phải bán mình chuộc cha …
– Tôi bán mình cho Mã Giám sinh và cũng từ đó cuộc đời tôi là chuỗi những ngày bi ai, khốn khổ …
b. Ở lầu Ngưng Bích
– Tôi bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích, bốn phía hoang vắng, …(dựa vào văn bản để miêu tả). Lòng tôi đau đớn, cô đơn đến tột cùng.
– Tôi nhớ Kim Trọng – người mà tôi yêu nhất, nhưng tôi đã phụ chàng …
– Tôi nhớ cha mẹ, hai người tuổi đã cao, giờ ai quan tâm lo lắng …
– Tôi đau đớn cho phận mình bạc bẽo, nhìn ra bốn phía tương lai chỉ thấy mịt mùng bão tố, … 3. Kết bài: Tổng kết vấn đề

Reply

Kết bạn với tôi qua zalo nhé
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?